Khi “xe ôm công nghệ” thành một nghề phổ biến ở Việt Nam, hai 8X yêu môi trường bỏ tiền túi làm ứng dụng kết nối “ve chai”.
Từ ý tưởng xử lý phế liệu
VECA của Bùi Thế Bảo và Đỗ Thị Minh Trang là một ứng dụng hoạt động như một mô hình gọi xe công nghệ, kết nối người bán phế liệu với người thu gom. Người có nhu cầu bán phế liệu sẽ đăng lên ứng dụng để “gọi” người thu gom đến mua. Giá các phế liệu sẽ được tổng hợp và điều chỉnh dựa theo giá thu mua của vựa và theo khu vực. Giá hiển thị trên ứng dụng do thị trường chi phối, không do công ty đặt ra. Hiện tại, ứng dụng cũng không thu phí cả người bán lẫn người mua.
Chủ nhân của startup này là Bùi Thế Bảo và Đỗ Thị Minh Trang, cùng sinh năm 1982 ở TP HCM. Cả hai không cùng ngành nghề với nhau nhưng lại chung mối quan tâm với môi trường.
Bùi Thế Bảo tốt nghiệp ngành môi trường tại Đại học Bách Khoa TP HCM. Từng làm giám đốc một nhà máy giấy tại Tây Ninh, kinh qua vị trí HSE Manager (Health – Safety – Environment Manager) tại một số công ty ngành giấy và nhôm, Bảo nhận ra những thiếu sót trong khâu quản lý nguyên liệu thải dẫn đến sự lãng phí cho doanh nghiệp, hộ gia đình và gây áp lực cho hệ thống xử lý môi trường và xã hội. Anh tin rằng xử lý nguyên liệu thải giảm thiểu tác động môi trường, tái chế chúng thành nguyên liệu sản xuất sẽ là xu hướng tương lai.
Trong khi đó, Trang lại là một nhà thiết kế, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP HCM, có một công ty truyền thông lâu năm. “Ở góc độ của một thị dân, làm việc nhiều với in ấn, giấy các loại, tôi thấy vô nghĩa khi hàng ngày nhìn túi phân loại rác có thể tái chế của nhà mình bị trộn lẫn với rác sinh hoạt trên xe thu gom”, bà mẹ hai con này kể.
“Ve chai” trước giờ vẫn là một lĩnh vực ít minh bạch nhưng theo phân tích của cả hai, mua bán phế liệu trong dân hiện chủ yếu dựa vào “đội quân” ve chai phủ sóng khắp nơi. Để mua ve chai, họ phải đi bộ hoặc đạp xe hàng chục cây số một ngày, nhưng kết quả lại rất bấp bênh.
Về phía người bán, khi có nhu cầu thường không thể chủ động mà phải đợi người mua đi qua. Trong nhiều trường hợp, họ có thể bị chèn ép giá dẫn đến tâm lý không muốn bán.
Cả hai tin rằng, giải pháp công nghệ của họ sẽ giúp người bán chủ động được thời gian và có được một biểu giá phế liệu cập nhật theo ngày rõ ràng, minh bạch. Người thu mua thì nhờ thuật toán của ứng dụng sẽ có khả năng thu mua được nhiều và tiết kiệm sức lực hơn. Ngoài ra, các vựa ve chai nhỏ trong nội thành, lại có giải pháp quản lý, góp phần ổn định đầu vào và cả đầu ra.
… đến thuyết phục người thu mua ve chai
Ban đầu, ý tưởng về tên của dự án là “Scrap Way” và “Kế hoạch nhỏ”. Trong đó, “Kế hoạch nhỏ” xuất phát từ kỷ niệm thời 8X, khi trường lớp thường vận động học sinh quyên góp tập, sách, báo cũ…để gây quỹ. Còn “Scrap Way” nhấn mạnh đến việc phế liệu có thể tái chế, khác với rác không tái chế được. Nhưng cuối cùng, họ chọn cái tên VECA, rút tắt từ “ve chai”, để nhấn mạnh hướng tiếp cận mọi đối tượng, gồm cả những người thu mua ve chai dạo.
Đến giữa năm 2019, họ bắt tay xây dựng ứng dụng VECA. Nó có 2 phiên bản, dành cho người bán và người mua ve chai, hoàn thành vào tháng 10/2020 sau nhiều đợt hiệu chỉnh.
Ý tưởng là thế, nhưng khi triển khai, Bảo cho biết, khó khăn ban đầu chính là việc xác định mô hình kinh doanh phù hợp, không chỉ mang lại lợi ích cho người dùng mà còn có thể phát triển lâu dài. Việc tiếp cận lĩnh vực vốn được vận hành thủ công và quy mô gia đình cũng là một thách thức. Cuối cùng, quan trọng nhất là tìm nguồn vốn để phát triển thị trường. “Cho đến nay, chúng tôi vẫn đang vận hành với nguồn vốn cá nhân”, anh xác nhận.
Theo số liệu tổng hợp bởi VECA, chỉ riêng ở TP HCM, trung bình mỗi ngày tiêu thụ 2.674 tấn giấy, 1.900 tấn nhựa các loại. Trong đó, khối lượng giấy thu gom được chỉ chiếm 40%, tương đương 1.070 tấn. Nhựa chỉ thu gom được 500 tấn với tỷ lệ tái chế khoảng 27%. Số còn lại đang bị bỏ chung vào rác thải sinh hoạt của người dân.
Tạm tính, số phế liệu lẫn trong rác tương đương 10 tỷ đồng mỗi ngày. Trên toàn quốc, con số này ước tính là 60 tỷ đồng. Các báo cáo cho thấy, lượng rác thải nhựa có khuynh hướng tăng nhanh do tính tiện dụng và do cả tác động của Covid-19.
Mặt khác, mỗi năm ngành nhựa cần trung bình 2-2,5 triệu tấn nguyên vật liệu, nhưng lại đang phải nhập khẩu tới 75-80%. Với ngành giấy, 70% sản lượng sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó, chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại là phải nhập khẩu. Nếu có thể là một phần nhỏ trong mắt xích câu chuyện tái chế cũng là cơ hội lớn.
Nhưng thực tế, việc “lên đời” công nghệ cho một ngành vốn rất truyền thống, với những chủ vựa ghi chép sản lượng bằng sổ tay và những người thu gom vốn gắn liền với hình ảnh nghèo khó, cực nhọc và tiếp xúc nhiều chất bẩn không đơn giản.
Đội ngũ sáng lập quyết giải bài toán bằng cách thuyết phục các vựa ve chai trước, để họ là trung gian tiếp cận “đội quân” thu mua ve chai. Họ chào mời giải pháp hỗ trợ quản lý thu mua, thay cho sổ ghi tay truyền thống.
“Trong thời gian đầu, tình nguyện viên VECA sẽ hỗ trợ người mua ve chai làm quen với cách làm mới. Chúng tôi tin rằng một khi hiểu được những lợi ích đạt được, việc ‘lên đời’ sẽ là khoản đầu tư hợp lý với họ. Nhất là hiện nay, giá của một smartphone cơ bản không còn quá cao”, Bảo nói.
Theo Trang, những người làm công việc “ve chai”, chính là tuyến đầu trong việc thu gom những vật liệu có thể tái chế, nhưng vai trò của họ lại bị đánh giá thấp. Do vậy, đội ngũ mong tiếp cận họ để giới thiệu một cách thu gom hiệu quả hơn, cải thiện thu nhập. Nếu dự án thành công, hình ảnh của họ cũng sẽ chuyên nghiệp hơn, như nghề xe ôm đã “lột xác” khi Uber vào Việt Nam.
Tháng 12/2020, VECA ký hợp tác liên kết với ví điện tử MOMO và đang tiến hành kết nối API để thanh toán không tiền mặt. Dự kiến, đến đầu quý II, ứng dụng sẽ chính thức giới thiệu tại TP HCM. Hiện ứng dụng đã có trên chợ ứng dụng của Apple và Google.
Theo mục tiêu của nhóm sáng lập, họ sẽ xây dựng hệ thống thu gom phế liệu quy mô trên TP HCM trong 1 năm và phát triển tại các thành phố lớn trong 3 năm. Do hiện VECA miễn phí nên doanh thu đến từ giai đoạn 2, khi bước vào giai đoạn kinh doanh phế liệu từ vựa đến nhà máy.
“Dự kiến, chúng tôi sẽ có lợi nhuận trong năm thứ hai, khi đạt được KPI về số người dùng, và có tỷ lệ thu gom thông qua ứng dụng chiếm hơn 20% tổng khối lượng phế liệu thu gom của một người mua. Dĩ nhiên, đây sẽ là một áp lực để chúng tôi phải nỗ lực từng ngày”, Bảo thừa nhận.
Tháng 1/2021, VECA được chương trình “NINJA Accelerator tại TP HCM” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, chọn là một trong 15 startup vào vòng tăng tốc. Hai nhà sáng lập xác nhận họ tham gia chương trình này nhằm hoàn thiện mô hình kinh doanh và kỳ vọng cơ hội tìm nhà đầu tư.
Ông Lim Boon Bow, Phó giám đốc phát triển doanh nghiệp của NTUitive, Đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore), Đại diện chương trình NINJA Accelerator đánh giá, vấn đề mà VECA cố gắng giải quyết là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, đó là sự gia tăng rác thải sinh hoạt ngày. Giải pháp của startup này là hướng tiếp cận song phương, giúp gia tăng giá trị của nguồn phế liệu thông qua công tác tái chế/ tái sử dụng, trong khi vẫn đảm bảo sinh kế cho người thu gom phế liệu.
“Phong trào mà VECA đang khởi xướng sẽ giúp bảo tồn các nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho quá trình sản xuất các sản phẩm từ vật liệu tái chế, giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon. Và đồng thời hình thành trong cộng đồng lối sinh hoạt và tư duy mới, hướng tới bảo vệ môi trường nhiều hơn”, ông Lim Boon Bow nhận định.
Viễn Thông